PGS.TS. Trần Mạnh Trí, trường ĐH Khoa học Tự nhiên: NGHIÊN CỨU LÀ CÔNG VIỆC CẢ ĐỜI

Những ngày này, những người quan tâm đến Khoa học và Công nghệ, yêu mến trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận được tin vui: Cụm công trình "Occurrence of phthalate diesters in indoor air from several Northern cities in Vietnam, and its implication for human exposure" (Sự xuất hiện của diest phthalate trong không khí trong nhà từ một số thành phố phía Bắc của Việt Nam và những liên quan của chúng đến rủi ro phơi nhiễm của con người) - với tác giả chính là PGS.TS. Trần Mạnh Trí, giảng viên ngành Hóa học đã vượt qua đánh giá của Hội đồng ngành, được đề cử giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020.
Nhân dịp này, PGS.TS. Trần Mạnh Trí đã có những chia sẻ về công việc nghiên cứu khoa học nói chung và con đường thực hiện cụm công trình đang được đề cử giải thưởng Tạ Quang Bửu nói riêng.

Thí nghiệm là một công việc tỉ mỉ
-Xin chào PGS.TS. Trần Mạnh Trí. Cụm công trình của thầy mang ý nghĩa rất thời sự: đó là vấn đề ô nhiễm không khí. Xuất phát từ đâu mà thầy có hướng nghiên cứu này?
PGS.TS. Trần Mạnh Trí: Tôi làm nghiên cứu sinh về phát triển các phương pháp phân tích hiện đại. Khi sang thực tập sau Tiến sĩ tại New York (Hoa Kỳ), giáo sư cũng giới thiệu một vài đề tài/hướng nghiên cứu để có thể lựa chọn. Tôi quyết định đi theo hướng phát triển các kỹ thuật phân tích nhằm quan trắc hợp chất gây rối loạn nội tiết mới, chẳng hạn như các nhóm hóa chất parabens, siloxanes, phthalates, triclosan, benzophenone... Các chất này được liệt kê vào nhóm các hóa chất gây rối loạn nội tiết (endocrine disrupting chemicals) bởi chúng làm thay đổi hệ hormone sinh dục – sinh sản trên động vật thí nghiệm. Mục đích của tôi là phát triển các phương pháp phân tích chính xác, hiện đại với đối tượng là các hóa chất nêu trên xuất hiện ở môi trường trong nhà, trong đó có không khí.
-Như vậy, đầu tiên là thầy được các giáo sư gợi ý, còn việc lựa chọn đề tài là do thầy?
Tôi làm nghiên cứu sinh về phương pháp vi chiết để xác định các hợp chất chung - là các chất dễ bay hơi trong không khí. Nền tảng được đào tạo là Phát triển các phương pháp phân tích nên đi theo hướng xây dựng và tối ưu các kỹ thuật phân tích nhằm “quan trắc hợp chất gây rối loạn nội tiết mới” sẽ có lợi thế hơn. Mặt khác, ô nhiễm không khí đang là vấn đề rất “hot” hiện nay. Kể cả môi trường trong nhà tưởng như rất sạch nhưng vẫn có nguy cơ bị ô nhiễm bởi nhiều loại hóa chất khác nhau.
PGS.TS Trần Mạnh Trí tại phòng thí nghiệm Khoa Hóa học, trường ĐH Khoa học Tự nhiên.
-Và thầy đã làm như thế nào?
Đánh giá rủi ro phơi nhiễm môi trường là hướng nghiên cứu rất mới hiện nay. Tôi đọc tài liệu thì hầu hết các nghiên cứu về tính chất vật lý của các chất đều nằm trong điều kiện chuẩn. Mặt khác, nếu chúng ta phân tích xong, chỉ đưa ra nồng độ của các chất trong môi trường thì chưa nói lên điều gì cả. Vì vậy, ý tưởng của tôi là phát triển đánh giá rủi ro phơi nhiễm và xác định một vài thông số vật lý trong điều kiện thực. Làm trong điều kiện thực thì con số sẽ thực tế, có ý nghĩa hơn, từ đó có thể đưa ra đánh giá, cảnh báo cho xã hội. May mắn, nghiên cứu của tôi và các cộng sự đã được Hội đồng phản biện ngành nhìn nhận, nhận định là một nghiên cứu đầy đủ và toàn diện.
-Thực tế, đã có nhiều nghiên cứu rất vĩ mô nhưng chỉ cất vào ngăn kéo. Cách “đi đến tận cùng” của thầy chắc chắn gian nan và tốn nhiều công sức. Trong quá trình thực hiện đề tài, thầy có những khó khăn gì có thể chia sẻ?
Đúng là có vài khó khăn lúc bắt đầu thực hiện.Thứ nhất là thiết kế thí nghiệm. Đây là những thí nghiệm rất mới trên thế giới, chưa có nhiều công bố trước đó. Và lần đầu tiên nghiên cứu này được thực hiện tại Việt Nam. Khi thực hiện tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu phải mua sắm các hóa chất chuẩn, dung môi, dụng cụ và thiết bị, mà nhiều dung môi - thiết bị đó không phổ biến nên các công ty hóa chất thiết bị không có sẵn. Tôi phải nhờ các công ty có chức năng nhập hóa chất thiết bị mua. Thời gian mất 6-8 tuần, khá lâu.
Một số thiết bị mua rất khó và đắt; tôi phải thuê các đơn vị chế tạo theo yêu cầu của mình. Tháng 12/2015 tôi được chấp nhận đề tài do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia tài trợ, đến giữa tháng 6/2016 tôi mới triển khai được trong phòng thí nghiệm.
Khó khăn nữa là: phthalates chất được sử dụng rất nhiều trong đồ nhựa, sản phẩm cá nhân, đồ dùng trong gia đình. Trong không khí cũng có phthalates. Phải làm sao để hạn chế tối đa sự ô nhiễm ở các dụng cụ thí nghiệm. Giải pháp đưa ra là các dụng cụ thủy tinh phải được rửa sạch và nung ở nhiệt độ cao, các dung môi phải được dùng trực tiếp từ các chai mới. Trước và sau khi thu mẫu, các dụng cụ cần được bảo quản tốt, bảo đảm mẫu đó không bị nhiễm bẩn. Quy trình mẫu trắng cần làm thường xuyên cùng với các mẫu thực.
-Đó là tất cả những khó khăn của thầy khi thực hiện đề tài?
Kể ra thì nhiều lắm. Lúc thu mẫu cũng gặp khó khăn. Đó là các hộ gia đình, chủ salong tóc... không đồng ý cho thu mẫu với nhiều lý do. Tất nhiên ai thực hiện nghiên cứu cũng có khó khăn nhất định. Tôi cũng vậy. Rồi mọi việc cũng ổn thỏa.
Chất độc hiện diện ở nhiều nơi
-Lúc nãy thầy có nói, một số chất độc như phthalates có rất nhiều trong đồ dùng cá nhân, vật dụng trong nhà. Thầy có thể nói rõ hơn về điều này?
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra: các chất parabens, siloxanes, triclosan, benzophenone, đặc biệt là phthalates được dùng nhiều trong sản phẩm bằng nhựa và các sản phẩm chăm sóc cá nhân như: dầu gội đầu, son-phấn, thuốc nhuộm tóc, sản phẩm kem bôi da..., tới vài phần trăm về khối lượng. Đồ chơi của trẻ em, các sản phẩm ca, cốc bằng nhựa cũng có thể thôi ra các chất độc. Cùng với việc phát triển ngành công nghiệp mỹ phẩm và đồ nhựa, việc dùng những sản phẩm trên là không tránh được, chỉ hạn chế đến mức độ nào thôi.
-Tại sao các sản phẩm như thầy liệt kê lại có nhiều chất độc như phthalates? Liệu có chất khác không độc hại có thể thay thế không?
Các đồ nhựa nếu không có chất phthalates thì rất khó đóng khuôn. Phthalates cũng là phụ gia trong sản phẩm làm tóc nói riêng, mỹ phẩm nói chung, giúp cho dung dịch óng mượt hơn.
Phải thừa nhận phthalates giúp ích rất nhiều cho ngành công nghiệp sản xuất đồ nhựa và mỹ phẩm khi đóng vai trò là chất phụ gia không thể thiếu. Độc tính của chúng đối với động vật phòng thí nghiệm đã khá rõ ràng. Nhưng tác động từ các chất như phthalates đến con người như thế nào thì chúng ta đang cần tìm lời giải, cụ thể là cần những nghiên cứu đánh giá phơi nhiễm là bao nhiêu ở tất cả các con đường khác nhau (hít thở không khí chỉ là một con đường). Và tất nhiên, chúng ta cũng đang cần chất khác hiệu quả hơn, thay thế cho phthalates. Việc này các nhà khoa học đã và đang tìm tòi, nghiên cứu.
-Nghiên cứu thì cần thời gian. Trong khi đó chất độc vẫn hiện diện hàng ngày...
Để cấm chất A, chất B, phải có rất nhiều nghiên cứu. Không phải cứ độc là cấm tiệt. Sẽ có những quy chuẩn như chất này được phép dùng bao nhiêu, chất kia được tồn tại trong môi trường sống là bao nhiêu. Các tổ chức kiểm soát môi trường của các nước tiên tiến đang chờ và dựa vào những nghiên cứu như thế này để đánh giá, đưa ra các quy chuẩn.
Sinh viên khoa Hóa học đang thực hành nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
“Kẻ giết người thầm lặng”
-Đề tài của thầy khá hay, nhưng tại sao trên thế giới người ta không nghĩ ra?
Có chứ. Trên thế giới đã có nghiên cứu gần đây nhưng chưa nhiều và các nghiên cứu trong đó chưa toàn diện, có nghiên cứu thì xây dựng phương pháp, có nghiên cứu khác thì tập chung vào quan trắc ô nhiễm. Đặc biệt, nghiên cứu ở môi trường ở Việt Nam thì “chưa ai động đến”. Cũng phải nói rằng, trước đây người ta hay quan tâm đến chất độc tức thì như thuốc trừ sâu, dioxin, các kim loại nặng. Những chất như phthalates chưa tác động ngay đến con người, cứ ngấm thôi. Chúng ta ngồi đây vẫn đang hấp thu nó qua hít thở, nhưng có điều chúng ta chưa thấy biểu hiện. Nhưng thí nghiệm trên động vật thì thấy rõ ảnh hưởng xấu của phthalates đến sự biến đổi hormone, gây rối loạn nội tiết. Phthalates được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” vì lý do như vậy. Bài toán đặt ra: ngưỡng bao nhiêu đối với con người thì phải cấm hoàn toàn?
-Lọt vào đề cử đã rất vui rồi, nhưng... nếu không được giải thì thầy có buồn không?
Tôi vẫn sẽ vui vẻ, vì mình làm tốt rồi, nhưng người khác còn tốt hơn. Công việc nghiên cứu tôi vẫn làm, là việc cả đời. Hiện tại tôi đang triển khai hai đề tài: một đề tài của ĐH Quốc gia Hà Nội, một đề tài cũng của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia tài trợ lần thứ 2, đã ký hợp đồng từ năm ngoái.
Tôi là người nghiên cứu, chỉ hiểu biết sâu trong phạm vi chuyên môn của mình. Những chuyên môn khác tôi không thể hiểu biết hết được để so sánh. Nhưng tôi tin rằng những người ở tầm cao hơn sẽ nhìn nhận và đánh giá các công trình khoa học ở mức độ tổng quát hơn. Ngoài chuyên môn, họ còn đánh giá ý nghĩa của các công trình đó đến sự phát triển khoa học và công nghệ nước nhà, tác động xã hội và nhiều yếu tố khác.
TS Trí vẫn đang tiếp tục thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học khác.
-Cảm ơn thầy và chúc thầy sức khỏe để có nhiều cống hiến cho khoa học!
Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng danh giá, uy tín do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hằng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Năm nay là năm thứ 7 Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức đánh giá, xét chọn giải thưởng này.
Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia đã thông báo tiếp nhận hồ sơ đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 và nhận được 48 hồ sơ đề cử/ứng cử cho Giải thưởng. Quỹ đã rà soát điều kiện hành chính, tổ chức để các HĐKH ngành đánh giá hồ sơ. Các HĐKH đã đề cử 8 hồ sơ (bao gồm 5 Giải thưởng chính và 3 Giải thưởng trẻ) để tiếp tục đánh giá, xét chọn tại Hội đồng Giải thưởng.
Hội đồng Giải thưởng dự kiến sẽ họp đánh giá hồ sơ vào tháng 4/2020. Lễ trao Giải thưởng dự kiến được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5/2020, nhân dịp kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.