Hội thảo khoa học Giao lưu truyền thống ngành Hóa học lần thứ XII





Nhằm thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học và công bố kết quả nghiên cứu cho nhà nghiên cứu trẻ lĩnh vực hóa học, 3 trường đại học ở Hà Nội đã có hoạt động giao lưu khoa học định kỳ hai năm một lần.

Hội thảo khoa học giao lưu ngành Hóa lần thứ XII diễn ra vào ngày 19/4/2019 do Khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Hà Nội; Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN); và Viện Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp tổ chức. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên và nghiên cứu sinh.

Báo cáo tổng quan của lãnh đạo 3 đơn vị đăng cai hội thảo nêu lên thành tựu, kinh nghiệm trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đó là kinh nghiệm của Viện Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong đào tạo kỹ sư gắn với hoạt động của các xí nghiệp, nhà máy. Đội ngũ nghiên cứu của Viện luôn chủ động nắm bắt các nhu cầu đặt ra trong sản xuất của khu vực này; có mặt kịp thời, đúng lúc, am tường về tình hình hoạt động sản xuất của các đơn vị sản xuất để đưa ra các nội dung hợp tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng năng lực của các cán bộ, công nhân viên của phía sản xuất, qua đó giúp gia tăng nguồn thu để đầu tư nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của Viện. Kinh nghiệm của Khoa Hóa học, Trường ĐHSP Hà Nội là đầu tư có trọng điểm cho nghiên cứu cơ bản để nguồn nhân lực được đào tạo có năng lực nghiên cứu, có thể gia nhập vào thị trường lao động thành công bằng những kiến thức đã được trang bị ở trong trường đại học; tổ chức thành công Câu lạc bộ Menđêlêép cho các học sinh bậc trung học cơ sở yêu thích môn hóa học. Đối với Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN là những thành công trong việc vận hành các nhóm nghiên cứu mạnh và xây dựng hợp tác quốc tế hiệu quả trong nghiên cứu và đào tạo.

Không chỉ chia sẻ các kinh nghiệm quý báu mà các đại biểu còn được nghe/xem nhiều báo cáo khoa học có hàm lượng khoa học cao tại hội thảo. Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 9 giải Khuyến khích cho 15/22 nhà khoa học có các báo cáo xuất sắc.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề nghị, giao lưu khoa học là một hoạt động rất thiết thực, nên được tổ chức thường xuyên hơn nữa thông qua các hình thức phong phú như trao đổi của lãnh đạo và các trưởng bộ môn trực thuộc các đơn vị để có điều kiện tăng cường hợp tác trong từng lĩnh vực chuyên ngành hẹp, thúc đẩy các hướng nghiên cứu mới và xuất bản khoa học.

Theo PGS.TS Đặng Xuân Thư - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, hoạt động giao lưu khoa học truyền thống này đã thu hút sự quan tâm của nhiều trường đại học có bộ môn/khoa hóa học trong cả nước. Hy vọng rằng, các hoạt động này sẽ ngày càng tạo tiền đề quan trọng cho nhiều hoạt động hợp tác cao hơn, sâu và hiệu quả hơn nữa giữa các cá nhân, đơn vị nghiên cứu, đào tạo và doanh nghiệp có liên quan tới lĩnh vực khoa học này.

Tin và ảnh: CTH