AUN kiểm định 04 chương trình đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội

 

Từ ngày 4-8/10/2021, Hệ thống Đảm bảo chất lượng của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network Quality Assurance viết tắt là AUN-QA) sẽ tổ chức kiểm định 04 chương trình đào tạo (CTĐT) của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), trong đó có 03 CTĐT cử nhân khoa học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) bao gồm: Công nghệ Sinh học, Hóa dược, Quản lý Tài nguyên và Môi trường.



Lễ khai mạc chương trình Đánh giá trực tuyến AUN-QA lần thứ 237 tại đầu cầu ĐHQGHN.

Phát biểu tại Lễ khai mạc chương trình kiểm định (sáng 4/10), PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc ĐHQGHN chào mừng Ban thư ký AUN-QA và các chuyên gia Đánh giá trực tuyến AUN-QA lần thứ 237 ở cấp Chương trình tại ĐHQGHN cho 04 chương trình đào tạo cử nhân và thạc sĩ của ĐHQGHN.

“Trong tình hình đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á, chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Ban thư ký và các chuyên gia AUN-QA trong việc triển khai kiểm định các CTĐT. ĐHQGHN luôn coi các đợt đánh giá là cơ hội để nhìn lại mình, xem xét lại những điểm yếu cũng như điểm mạnh trong hoạt động dạy và học, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu trong việc nâng cao chất lượng đào tạo”.



PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Phó giám đốc ĐHQGHN phát biểu tại Lễ khai mạc chương trình kiểm định sáng 04/10.

GS.TS Suzeini Binti Abd Halim (Trưởng đoàn đánh giá của AUN-QA) cảm ơn sự tin tưởng của ĐHQGHN đối với hệ thống kiểm định chất lượng của AUN-QA và nỗ lực của ĐHQGHN trong việc chuẩn bị cho đợt kiểm định thứ 237 này, đồng thời cho biết: “Dịch bệnh Covid-19 lan truyền nhanh và mạnh nên từ tháng 9/2020, AUN-QA đã phải triển khai hoạt động đánh giá theo hình thức trực tuyến. Tuy vậy, đoàn đánh giá tin tưởng trong tương lai gần, dịch bệnh sẽ được kiểm soát và chúng ta có thể quay trở lại hình thức đánh giá trực tiếp”.

AUN được thành lập từ năm 1995 với các thành viên ban đầu được đề cử bởi Bộ trưởng Giáo dục các nước. Để đảm bảo chất lượng của hệ thống các trường đại học ASEAN, AUN đưa ra bộ tiêu chuẩn chung về chất lượng (AUN-QA) với rất nhiều quy tắc khắt khe. Bộ tiêu chuẩn của AUN-QA là công cụ để đánh giá toàn diện các CTĐT từ nhiều khía cạnh như: khung chương trình, chuẩn đầu ra, đội ngũ giảng viên và cán bộ hỗ trợ, cơ sở vật chất, công tác đảm bảo chất lượng, kết nối giữa nhà trường với các bên liên quan...

Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN luôn là một trong những trường đại học tiên phong trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và theo hướng sớm tiệm cận với các trường đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Trường ĐHKHTN là Trường đại học đầu tiên ở Đông Nam Á đăng ký kiểm định được công nhận đạt chuẩn chất lượng AUN-QA cấp Trường vào năm 2017. Tính đến thời điểm này, Nhà trường có 13 CTĐT đã được kiểm định chất lượng theo bộ tiêu chuẩn của AUN-QA. Sau khi hoàn thành đánh giá 03 CTĐT được kiểm định năm nay, Trường sẽ nâng tổng số CTĐT được kiểm định quốc tế lên 16, đạt kế hoạch 100% CTĐT đại học đủ điều kiện được kiểm định chất lượng theo bộ tiêu chuẩn của AUN-QA.



Các đại biểu tham dự phiên khai mạc tại Phòng phỏng vấn trực tuyến ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường chụp ảnh kỷ niệm.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, năm 2020 và 2021, các hoạt động dạy và học của ĐHQGHN đã phải nhiều lần thay đổi từ trực tiếp sang trực tuyến. Tuy nhiên, ĐHQGHN đã đạt được một số thành tựu to lớn. Cụ thể: Lần đầu tiên ĐHQGHN được xếp trong nhóm 101 - 150 các trường đại học trẻ tuổi có chất lượng giáo dục hàng đầu trên thế giới (Bảng xếp hạng QS Top 50 Under 50 2021). Theo QS World University Rankings 2021, ĐHQGHN lần thứ 3 liên tiếp được xếp vào nhóm 801 - 1000 trường đại học tốt nhất toàn cầu.

Theo kết quả kỳ xếp hạng THE WUR by Subject 2021, ĐHQGHN có lĩnh vực Khoa học máy tính (Computer Sciences) lần đầu tiên được THE đánh giá và có thứ hạng trong nhóm 501-600 thế giới, số 1 Việt Nam; Kỹ thuật & Công nghệ trong nhóm 401-500 thế giới, số 1 Việt Nam.

Ngoài ra, ĐHQGHN cũng có 3 lĩnh vực được QS WUR by Subject xếp hạng, cụ thể: Toán học (Mathematics) lần đầu tiên được xếp hạng với vị trí trong nhóm 401 – 450 thế giới, số 1 Việt Nam; Vật lý và Thiên văn học (Physics and Astronomy) được xếp trong nhóm 551 – 600 thế giới, số 1 ở Việt Nam; Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin (Computer Science & Information systems) được xếp trong nhóm 501 – 550 thế giới, thứ 2 ở Việt Nam.