Trường ĐHKHTN phối hợp cùng Hội Hóa học Thái Lan tập huấn Giảng dạy thực hành Hóa học quy mô nhỏ cho giáo viên THPT

 Trong hai ngày 20 và 21/8/2022, tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHKHKTN, ĐHQGHN) đã diễn ra chương trình tập huấn giảng dạy thực hành môn Hóa học trên quy mô nhỏ (Small Scale Chemistry) dành cho 100 giáo viên THPT ở khu vực miền Bắc. Chương trình do Trường ĐHKHTN phối hợp cùng Hội Hóa học Thái Lan tổ chức với sự tài trợ của Ngân hàng Bangkok.



Đây là lần thứ 2 hoạt động này được tổ chức tại Việt Nam, sau lần đầu tiên được tổ chức tại Trường ĐHKHTN, ĐHQG HCM năm 2019.

Tham dự Lễ khai mạc khóa tập huấn Giảng dạy thực hành môn Hóa học cho giáo viên THPT tại Trường ĐHKHTN có ông Nikorndej Balankura, đại sứ đặc mệnh toàn quyền vương quốc Thái Lan tại Việt Nam; bà Chanidabha Yuktadatta, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán; GS. Supawan Tantayanon, Hiệp hội Hóa học Thái Lan, Giám đốc chương trình tập huấn và các thành viên của đoàn tập huấn; Ông Tharabodee Serng-Adichaiwit, Phó chủ tịch cấp cao kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Bangkok tại Việt Nam; bà Siriporn Kunwedsuwan, Phó chủ tịch kiêm giám đốc Ngân hàng Bangkok, chi nhánh Hà Nội; ông Nguyễn Hoài Sơn, Phó chủ tịch công ty DOW Việt Nam,… cùng lãnh đạo Hội Hóa học Việt Nam, lãnh đạo Hội Hóa học Hà Nội, lãnh đạo Trường ĐHKHTN, lãnh đạo và cán bộ khoa Hóa học – Trường ĐHKHTN cùng 100 giáo viên THPT tham gia tập huấn.



GS.TS. Lê Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN

Phát biểu tại Lễ khai mạc, GS.TS. Lê Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN bày tỏ niềm vui được chào đón các thầy cô giáo được lựa chọn tham dự khóa tập huấn. GS.TS. Lê Thanh Sơn hi vọng: sau khóa học, các thầy cô có thể đưa các thí nghiệm hóa học này về với các em học sinh, giúp các em có thêm hứng thú trong việc học các môn khoa học nói chung và môn Hóa học nói riêng.



GS. Supawan Tantayanon, Hiệp hội Hóa học Thái Lan, Giám đốc chương trình tập huấn

GS.Supawan Tantayanon, Giám đốc chương trình tập huấn chia sẻ: "Việc giảng dạy khoa học trong trường học, để có ý nghĩa, thú vị và dễ tiếp cận đối với học sinh phải chủ yếu là thực nghiệm. Tuy nhiên, thật khó để có không gian và trang thiết bị cần thiết cho giáo viên giảng dạy theo cách này, đặc biệt với môn Hóa học".



Tại buổi tập huấn, các đại biểu đã được giới thiệu về kỹ thuật và thiết bị thực hành hóa học quy mô nhỏ, đồng thời được hướng dẫn làm các thí nghiệm thực tế như: sự khuếch tán của chất khí, tách đồng bằng phương pháp điện hóa, độ tan của ammonia, chất chỉ thị pH, phản ứng của acid và muối carbonate… Giữa các buổi tập huấn là chương trình hỏi – đáp. Ngoài các chuyên gia đến từ Thái Lan, các giảng viên Trường ĐHKHTN và đội tình nguyện là một nhóm giáo viên đã tham gia tập huấn tại TP HCM lần thứ nhất (năm 2019) cũng hỗ trợ các đại biểu thực hành thí nghiệm.



Các thành viên của đội hỗ trợ tập huấn – là những giáo viên đã tham gia tập huấn đợt 1 (năm 2019)

Thầy Nguyễn Minh Tài, giáo viên Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp, TPHCM – thành viên đội hỗ trợ - cho biết “đã tham gia khóa tập huấn giảng dạy thực hành môn Hóa học trên quy mô nhỏ tại TPHCM năm 2019, sau đó được đi tập huấn chuyên sâu tại Thái Lan. Việc thực hành trên quy mô nhỏ khiến mỗi học sinh đều được trực tiếp làm thực hành, thay vì chỉ có một số em được trực tiếp làm (còn các em khác đứng quan sát). Vì thế, học sinh rất hào hứng khi học thí nghiệm”.



Hai cô giáo Khánh Linh và Hồng Hạnh, cùng học lớp K54 Sư phạm Hóa học, Trường Đại học Giáo dục (ĐHQGHN) rất vui khi được gặp nhau trong buổi tập huấn. Hai cô cho biết mình có tới 03 năm học gắn bó với Trường ĐHKHTN nên nơi đây nhiều kỷ niệm (*). Hiện Khánh Linh đang là giáo viên Trường THPT Hà Đông, còn Hồng Hạnh đang là giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương.



Thầy Trần Anh Sơn và các đồng nghiệp.

Thầy Trần Anh Sơn, giáo viên Trường THPT Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh cho biết: “Tôi biết đến khóa tập huấn qua một vài người bạn. Tôi đến đây với mong chờ được tìm hiểu về một phương pháp thí nghiệm mới và khi về có thể áp dụng tại trường tôi”.



Tham dự chương trình, mỗi đại biểu được Ban Tổ chức tặng một bộ dụng cụ thí nghiệm “Small Scale Chemistry” để sử dụng trong khóa tập huấn và giảng dạy tại trường đang công tác. Sau khi khóa học kết thúc, mỗi giáo viên sẽ có 2 tháng để tự thiết kế một bài thí nghiệm phù hợp với điều kiện thực tiễn của trường mình và quay video clip gửi về Ban Tổ chức. 10 giáo viên có bài thiết kế xuất sắc sẽ được chọn tham dự hội nghị chuyên sâu tại Bangkok, Thái Lan vào đầu năm 2023.



Theo Ban tổ chức, mục tiêu của dự án là tăng cường các thí nghiệm hóa học thực tế tại trường phổ thông nhằm lôi cuốn học sinh và tạo hứng thú cho việc học các môn khoa học nói chung và môn hóa học nói riêng. Chương trình đã và đang được thực hiện ở các nước ASEAN, bao gồm: Myanmar, Campuchia, Indonesia, Philippines, Việt Nam.







Các thầy cô tham gia tập huấn nhận chứng chỉ sau khi hoàn thành khóa tập huấn.



Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm.

Hóa học là một môn khoa học thực nghiệm. Các thí nghiệm Hóa học sẽ làm cho việc học bộ môn này trở nên thực tế, thú vị, dễ hiểu, cũng như giúp phát triển các kỹ năng thực hành. Tuy nhiên ở nhiều nước trên thế giới, môn hóa học đang được dạy ở các trường trung học với phần thí nghiệm rất hạn chế. Lý do chính là sự thiếu hụt về chi phí cho thiết bị, dụng cụ, hóa chất, phòng thí nghiệm và xử lý chất thải. Ngoài ra còn có các lý do khác như: thiếu thời gian chuẩn bị thí nghiệm, không có đội ngũ trợ lý phòng thí nghiệm và những lo ngại về an toàn hóa chất liên quan đến các chất độc hại.

Một giải pháp cho vấn đề kinh phí là giảm lượng hóa chất đến mức tối thiểu, vừa đủ để thực hiện thí nghiệm một cách hiệu quả, được gọi là hóa học quy mô nhỏ (small scale chemistry). Giải pháp này sử dụng các phương pháp, thiết bị, kỹ thuật mới, khác với những phương pháp truyền thống. Quy mô thí nghiệm ở phương pháp mới này có thể giảm đến thấp hơn hàng nghìn lần so với các thí nghiệm truyền thống. Các dụng cụ rẻ tiền bằng nhựa có thể được dùng để thay thế các dụng cụ thủy tinh. Các công cụ quan sát, đo đạc đồng thời nhiều mẫu được sử dụng cho phép chuẩn bị, thay đổi và so sánh một cách nhanh chóng, trực quan các hệ thống hóa học ở pha rắn, lỏng, khí.

Bên cạnh ưu điểm về chi phí thấp, nhiều lợi ích khác cũng có thể đạt được bao gồm việc sử dụng thời gian hiệu quả, giảm chất thải. Mô hình hóa học quy mô nhỏ là phương pháp thân thiện với môi trường, giảm ô nhiễm, hạn chế các rủi ro trong các thí nghiệm hóa học mà vẫn không ảnh hưởng đến chất lượng và độ chính xác của thí nghiệm.

 

Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước trong lĩnh vực khoa học tự nhiên mà Hóa học là một trong những ngành đào tạo đầu tiên, truyền thống của Trường từ năm 1956.

 

(*)Trước đây, sinh viên các ngành Sư phạm Toán, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Sinh học của Trường Đại học Giáo dục sẽ được gửi tới Trường ĐHKHTN đào tạo trong 03 năm trước khi quay về Trường Đại học Giáo dục học tiếp các môn chuyên ngành sư phạm.

 

Chi tiết về Khóa tập huấn: https://sites.google.com/hus.edu.vn/bbl-cst-hanoi-2022/home?authuser=2