Lịch sử hình thành và phát triển

BAN LÃNH ĐẠO KHOA HÓA HỌC QUA CÁC THỜI KỲ 
GS. Nguyễn Hoán, Chủ nhiệm Khoa đầu tiên (1956 – 1978)
GS. NGND. Nguyễn Thạc Cát, Phó Chủ nhiệm Khoa đầu tiên


CÁC CHỦ NHIỆM KHOA
GS. TSKH. NGND.
Đặng Như Tại
1978 – 1990
GS. TS. NGND.
Nguyễn Trọng Uyển
1990 – 1997
PGS. TS. NGƯT.
Nguyễn Xuân Trung
1997 – 2002
GS. TSKH. NGND.
Lưu Văn Bôi
2002 – 2012
PGS. TS.
Lê Thanh Sơn
2012 – nay

CÁC PHÓ CHỦ NHIỆM KHOA
Nhà giáo
Hồ Ngọc Ba
1965 – 1970
GS. TSKH. NGND.
Phan Tống Sơn
1971 – 1977
PGS. TS.
Nguyễn Hữu Định
1973 – 1981
GS. TS. NGND.
Trần Văn Nhân
1980 – 1982
PGS. TS. NGƯT.
Nguyễn Xuân Trung
1982 – 1986
1982 – 1986
GS. TSKH. NGƯT.
Nguyễn Minh Thảo
1982 – 1986
GS. TS. NGND.
Nguyễn Trọng Uyển
1987 – 1990
PGS. TS. NGƯT.
Vũ Ngọc Ban
1987 – 1998
GS. TS. NGƯT.
Ngô Duy Cường
1990 – 1998
PGS. TS. NGƯT.
Nguyễn Đình Bảng
1998 – 2002
PGS. PS. NGƯT.
Phạm Văn Nhiêu
1998 – 2002
PGS. TS. NGƯT.
Trịnh Ngọc Châu
1998 – 2013
PGS. TS. NGƯT.
Trần Thị Như Mai
2002 – 2007
PGS. TS. NGƯT.
Nguyễn Văn Nội
2002 – 2009
PGS. TS.
Nguyễn Đắc Vinh
2007 – 2008
PGS. TS.
Lê Như Thanh
2009 – 2013
PGS. TS.
Lê Thanh Sơn
2010 – 2012
PGS. TS.
Nguyễn Thị Cẩm Hà
2013 – nay
PGS. TS.
Nguyễn Tiến Thảo
2013 – 2015
TS.
Phạm Văn Phong
2013 – nay
TS.
Nguyễn Minh Ngọc
2015 – nay

Khoa Hoá học ra đời năm 1956, ngay sau Quyết định số 2184/TC ngày 04-06-1956 của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về việc thành lập Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhiệm vụ của Khoa là đào tạo cán bộ giảng dạy và nghiên cứu thuộc lĩnh vực Hoá học phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt nam.
Khi mới thành lập Khoa có 9 người: Giáo sư Nguyễn Hoán, các Giáo sư Nguyễn Thạc Cát, Hoàng Ngọc Cang, Nguyễn Đình Huề, Ngô Văn Thông và 4 nhân viên phục vụ: các bác Lê Đình Phẩm (thư viện), Nguyễn Trí Thi, Nguyễn Văn Đàn (phụ trách PTN), Nguyễn Công Vinh (thợ thuỷ tinh).
Những Nhà giáo đầu tiên đảm nhiệm việc giảng dạy cho cả trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Sư Phạm Hà Nội.
GS. Nguyễn Hoán trong phòng thí nghiệm
Trong những năm 1956 và 1957 Khoa được bổ sung một số cán bộ giảng dạy được đào tạo ngay sau kháng chiến chống Pháp: Hoàng Nhâm, Hoàng Minh Châu, Đặng Như Tại, Nguyễn Thị Thịnh, Lê Nguyên Tảo, Đỗ Tất Hiến, Lê Huy Bắc, Cù Thành Long, Nguyễn Tinh Dung, Trần Quốc Sơn và Đặng Trần Phách.
Năm 1958, số cán bộ giảng dạy được chia đôi, một số ở lại khoa Hoá học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, một số về khoa Hoá học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Đến đầu những năm 60, đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa tiếp tục được tăng cường bằng nhiều nguồn:
- Những cán bộ tốt nghiệp từ Cộng hoà Pháp - TS. Vũ Thị Tri Túc (về nước năm 1958); từ CHDC Đức – Trần Hạ Phương, Nguyễn Quý Sảnh, Phan Tống Sơn, Trần Nguyên Tiêu, Đào Đình Thức (năm 1961); từ Liên Xô - Hoàng Hữu Bình (năm 1959), Trần Văn Nhân (năm 1962), Trần Ngọc Mai (năm 1963).
- Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi các khoá đầu tiên - những cán bộ trẻ được lựa chọn ở lại công tác tại Khoa ngày một đông đảo:
Khoá I: Hồ Ngọc Ba, Hồ Thị Chí, Âu Tấn Đức, Trịnh Xuân Sén, Nguyễn Đức Thạch, Phan Văn Tường, Đào Hữu Vinh.
Thầy Nguyễn Thạc Cát và Cô Võ Thị Tri Túc thăm CH Pháp
Khoá II: Cầm Thịnh Cường, Hà Huy Kiệm, Nguyễn Văn Phất.
Khoá III: Trương Đình Chí, Liễu Đình Đồng, Trần Tứ Hiếu, Trần Chương Huyến, Phạm Anh Lập, Âu Văn Long, Nguyễn Khắc Nga, Nguyễn Văn Thạch, Nguyễn Văn Thật, Lâm Ngọc Thụ.
Khoá IV: Chu Xuân Anh, Phạm Nguyên Chương, Trần Khắc Chương, Nguyễn Chí Dũng, Nguyễn Xuân Dũng, Nguyễn Hữu Định, Văn Ngọc Hướng, Kiều Xuân Long, Từ Vọng Nghi, Dương Tấn Phước, Mai Xuân Quang, Dương Quốc Sỹ, Nguyễn Đình Triệu, Nguyễn Văn Tuế.

Một số sinh viên tốt nghiệp khoá I được cử sang Đại Học Tổng Hơp Quốc gia Matxcơva (Liên Xô) học tiếp chương trình Đại học 5 năm, đến năm 1962 về công tác tại Khoa: Ngô Thị Thuận, Lê Chí Kiên, Nguyễn Đức Huệ, Phạm Hoàng Ngọc, Nguyễn Đình Soa, Nguyễn Thạc Sửu và Hồ Sĩ Thoảng.
Giáo sư Nguyễn Hoán với các sinh viên Khóa I ở ĐH Lômônôxôp (Maxcơva năm 1960)
Cùng với sự phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy, lực lượng kỹ thuật viên và nhân viên phục vụ cũng được bổ sung, trong đó có các chị Nguyễn Thị Khê, Nguyễn Thị Hai, Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Hồng Thuý, Hà Thị Điệp, Nguyễn Thị Minh, Tạ Thị Khôi, Trần Thị Việt Hoa, Trương Thị Hạnh, Đặng Ngọc Ánh, Mai Thị Thảo, Nguyễn Thị Lịch, Nguyễn Thị Thoa...

Cán bộ và sinh viên Khoa Hóa học đi thực tế tại nhà máy tráng men Hải Phòng năm 1964
Lúc đầu, khoa có 4 bộ môn, gồm  Hoá vô cơ, Hoá hữu cơ, Hoá phân tích và Hoá lý với chương trình đào tạo là 3 năm. Ban chủ nhiệm Khoa, Hội đồng Khoa học và Đào tạo với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô đã xây dựng chương trình, nội dung và kế hoạch đào tạo tương ứng với thời lượng quy định. Các bộ giáo trình Hoá Đại cương, Hoá Vô cơ, Hoá Hữu cơ, Hoá Phân tích và Hoá Lý – những giáo trình đầu tiên, được biên soạn hoặc biên dịch đã được hoàn thành trong thời gian ngắn để kịp thời phục vụ việc học tập của sinh viên.
Để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, Khoa đã xây dựng chương trình hệ 4 năm, bắt đầu áp dụng từ khoá IV trở đi. Sau khi học xong phần cơ bản 3 năm, khoảng một nửa số sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp ra công tác, phần còn lại với kết quả khá giỏi học tiếp năm thứ tư, gồm các môn chuyên đề và làm luận văn tốt nghiệp. Khoá học hệ 4 năm đầu tiên có 18 sinh viên được lựa chọn, sau khi tốt nghiệp, 14 người được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại khoa (như đã nói ở trên).
Thực hiện phương châm"học đi đôi với hành, lý thuyết gắn với thực tiễn", song song với việc học ở giảng đường và phòng thí nghiệm, sinh viên được đi tham quan (đối với năm thứ  I, thứ II) và thực tập thực tế (năm thứ III) ở các nhà máy xí nghiệp Hoá chất ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Nguyên... Để ứng dụng kiến thức vào thực tiễn sinh viên còn về các vùng xung quanh Hà Nội nghiên cứu phân tích thành phần của đất, giúp địa phương lập bản đồ nông hoá thổ nhưỡng phục vụ quy hoạch lãnh thổ và phương án canh tác.
Cán bộ và sinh viên đi tham quan thực tế tại nhà máy sứ Hải Dương 1965
Việc thực hiện chương trình học 4 năm không những đánh dấu mốc quan trọng trong lộ trình nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn mở đầu bước chuyển về chất trong công tác nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo. Từ khi mới thành lập, khoa chỉ có 4 phòng thí nghiệm cơ bản, một thư viện nhỏ, một xưởng sữa chữa dụng cụ thuỷ tinh và một gian thực tập sản xuất thí nghiệm. Do yêu cầu hướng dẫn luận văn tốt nghiệp cho sinh viên, Khoa đã triển khai xây dựng và hoàn thiện các phòng thí nghiệm chuyên đề, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào nghiên cứu khoa học trong cán bộ giảng dạy.
Hội nghị khoa học đầu tiên của khoa Hoá học được tổ chức năm 1962 với 15 báo cáo. Hội nghị có sự tham gia của các đồng nghiệp các trường bạn như Khoa Công nghệ Hoá học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Khoa Hoá học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội...
Mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng phong trào nghiên cứu Khoa học đã nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, góp  phần cải thiện chất lượng đào tạo, thúc đẩy sự giao lưu hợp tác, trao đổi học thuật giữa khoa Hoá học với các cơ quan, đơn vị ngoài trường.
Với bao khó khăn thiếu thốn của những năm tháng mới thành lập, Khoa vẫn thực hiện việc mở rộng qui mô đào tạo hệ chính qui, đồng thời đã tổ chức nhiều khoá đào tạo hệ tại chức, các lớp bồi dưỡng kiến thức Hoá học cho cán bộ của các cơ quan Trung ương và Hà Nội.
Năm học 1964 – 1965 với phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” hoàn thành thắng lợi - đánh dấu mười năm xây dựng và phát triển trong hoà bình của Khoa Hoá học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Mười năm tìm tòi, 10 năm xây dựng, mười năm trưởng thành vượt bậc, mười năm tạo đà cho thầy trò Khoa Hoá học vững vàng bước vào giai đoạn mới cùng Thủ đô và cả nước, giai đoạn vô cùng khốc liệt, song rất hào hùng của dân tộc, giai đoạn chống Mỹ cứu nước.

Năm 1965 đế quốc Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta.
Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản, tiếp tục đào tạo nhân lực khoa học kỹ thuật cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thầy trò Khoa Hoá học bắt đầu những năm học mới ở nơi sơ tán. Năm 1965 toàn Khoa đóng ở xóm Bầu, xóm Bậu, xóm Núi thuộc xã Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Cán bộ và sinh viên tại nơi sơ tán tại Thái Nguyên
Đầu năm 1969, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, Khoa rời Đại Từ về sơ tán ở xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội.
Tháng 4/1972, Mỹ lại đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2 với quy mô và cường độ rất ác liệt. Từ Mai Lâm, Khoa chuyển đến xã Đại Cường, huyện Ứng Hoà, Hà Tây. Sau đó ít lâu thầy trò tiếp tục hành quân lên Hiệp Hoà, Hà Bắc (nay thuộc Bắc Giang).
Sau Hiệp định Paris kết thúc chiến tranh và lập lại hoà bình ở Việt Nam, đầu năm 1973 thầy trò Khoa Hoá học lại trở về 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội, cái nôi chào đời của mình.
Trong thời gian sơ tán, thầy trò Khoa Hoá học đã bỏ hàng vạn ngày công lên rừng khai thác gỗ, tre nứa về làm nhà ở, xây dựng lớp học, phòng thí nghiệm, thư viện, làm bếp ăn, hầm hào trú ẩn.
Để đảm bảo điều kiện giảng dạy và học tập, không thể kể xiết công sức, thời gian mà thầy trò Khoa Hoá học đã phải bỏ ra để vận chuyển sách vở, dụng cụ và trang thiết bị học tập từ Hà Nội lên nơi sơ tán. Lương thực và thực phẩm từ Hà Nội vận chuyển lên không đủ, thầy trò của Khoa còn phải tổ chức chăn nuôi, trồng trọt để cải thiện đời sống của mình.
Năm học sơ tán đầu tiên (1965 – 1966) được khai giảng vào ngày 15 tháng 10 năm 1965 tại Văn Yên, Đại Từ, Thái Nguyên.
Dù rất thiếu thốn, chương trình và nội dung giảng dạy vẫn được thực hiện đầy đủ, các phòng thí nghiệm vẫn hoạt động đều đặn, sinh viên năm cuối vẫn được tiến hành thí nghiệm, thực hiện và bảo vệ khoá luận tốt nghiệp. Các hoạt động hỗ trợ học tập, như thi Olympic Hoá học vẫn được Khoa và các bộ môn tiến hành.
Không phải là người trong cuộc thì rất khó hình dung nổi những khó khăn mà Khoa phải khắc phục nơi sơ tán để xây dựng các phòng thực tập cho sinh viên. Công lao trong việc đảm bảo cho các phòng thí nghiệm hoạt động bình thường, ngoài đóng góp của đội ngũ cán bộ giảng dạy, đặc biệt là các nhà giáo trẻ, phải kể đến những kỹ thuật viên và các nhân viên phục vụ, như Bác Định (BM Hoá vô cơ), Bác Thi (BM Hoá phân tích), Bác Kịch (BM  Hoá hữu cơ) và nhiều anh chị em khác... 
Trước yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực Hoá học, mặc dù gặp nhiều khó khăn, Khoa vẫn mở rộng qui mô đào tạo hệ chính qui (có năm một khoá tuyển tới 200 sinh viên).  Đồng thời, Khoa đã tổ chức thêm 3 lớp Đại học hệ chuyên tu để đào tạo cán bộ giảng dạy cho các trường Đại học và Trung cấp chuyên nghiệp. Cũng trong thời gian này, Khoa bắt đầu thu nhận các sinh viên cũ, tốt nghiệp hệ 3 năm về tiếp tục học tập để nâng cao trình độ, hoàn thành chương trình hệ 4 năm.
Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, Khoa vẫn đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và phục vụ thực tế. Những năm học 1965-1969, trong các “Mùa hè chống Mỹ, cứu nước” nhiều đoàn cán bộ và sinh viên Khoa Hoá học đã về các nơi thuộc tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Thái Bình, để phân tích đất, xác định hàm luượng N, P, K, lập bản đồ nông hoá thổ nhưỡng cho các địa phương. Một số đoàn cán bộ và sinh viên xuống Đồ Sơn (Hải Phòng), Hải Hậu (Nam Định) để nghiên cứu giúp các hợp tác xã cải tiến qui trình, nâng cao năng suất sản xuất muối và khai thác sử dụng các phế liệu trong quá trình làm muối.
Đầu những năm 1970, nhiều đoàn cán bộ và sinh viên Khoa Hoá học còn chia nhau về các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, như Gốm Thổ Hà, gốm Phủ Lạng Thương, sứ Bát Tràng, các nhà máy Pin Văn Điển, Sơn Hà Nội,… để nghiên cứu giúp các cơ sở sản xuất cải tiến quy trình công nghệ, sử dụng hợp lý nguyên vật liệu.

Trong các phòng thí nghiệm, cán bộ của Khoa đã tiến hành nghiên cứu chế tạo muối ăn cho đồng bào miền núi Mường La, Sơn La, tổng hợp các chất chống nấm mốc để bảo vệ vũ khí, khí tài phục vụ quân đội, điều chế các chất điều hòa sinh trưởng thực vật, các chất tăng trọng cho gia súc và sản xuất vật liệu xây dựng bằng nguyên liệu tại chỗ, như gạch không nung.
Phòng Thực tập Hoá lý trong những năm chiến tranh
Để giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, Khoa đã phải tiến hành xây dựng chiến lược phát triển thích hợp. Ban Chủ nhiệm Khoa cùng với Hội đồng khoa học đã nhiều lần bàn bạc, tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề về cải tiến chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với điều kiện thời chiến.
Để phục vụ cho sự phát triển trong tương lai, lãnh đạo Khoa đã chú trọng đến công tác quy hoạch và xây dựng đội ngũ cán bộ. Mặc dù phải đảm nhiệm khối lượng giảng dạy rất lớn, Khoa vẫn cử hàng chục cán bộ đi thực tập và làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô, Cộng hoà Dân chủ Đức và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu khác. Trong số anh chị em đó sau khi bảo vệ thành công luận án trở về, nhiều người đã trở thành những cán bộ chủ chốt trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý của Khoa. Sau ngày miền Nam giải phóng 1975, họ là nguồn cán bộ có trình độ cao, có nhiệt huyết đã chi viện đắc lực cho các trường Đại học phía Nam.
Phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của mình và tích cực hỗ trợ cho trường bạn, Khoa đã nhiều lần cử cán bộ đi thỉnh giảng cho Đại học Dược sơ tán ở Hà Bắc, Đại học Kỹ thuật Quân sự sơ tán ở Lạng Sơn và Trường Thanh niên Lao động XHCN ở Hoà Bình.
GS. Nguỵ Như Kontum, Hiệu trưởng nhà trường gặp mặt các cán bộ và sinh viên trước khi lên đường nhập ngũ
Cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ leo thang ngày càng ác liệt,theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, 173 cán bộ và sinh viên Khoa Hoá học đã lên đường chiến đấu ở nhiều chiến trường. Trong số các Anh, các Chị ra đi nhiều Người đã không trở về. Chúng ta vô cùng tự hào, ghi vào Sổ Vàng và khắc trong tâm khảm tên tuổi của các Anh Nguyễn Khắc Nha, cán bộ giảng dạy Bộ môn Hoá Vô Cơ, Anh Lê Anh Cường, Kĩ thuật viên Bộ môn Hoá lý và 17 Sinh viên ưu tú như Vũ Sĩ Lâm, Trần Tường Nghi, Nguyễn Văn Dong, Trần Minh Châu và anh chị em khác đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm bộ đội pháo cao xạ, đơn vị của thầy Lâm Ngọc Thiềm - CBGD của Khoa
Mười năm, học tập trong điều kiện chiến tranh ác liệt với bao lần "cõng" Trường trên lưng đi sơ tán, thầy trò Khoa Hoá học đã thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải quyết tâm thi đua dạy tốt và học tốt”. Mười năm, thầy trò Khoa Hoá học đã vượt muôn vàn khó khăn gian khổ, trưởng thành vượt bậc về mọi mặt: xây dựng được một đội ngũ đông đảo cán bộ có trình độ cao, qui mô đào tạo được mở rộng, chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học được nâng cao đáng kể. Những thành tựu đó đã góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng vẻ vang, là hành trang để thầy trò Khoa Hoá học vững bước tiến vào giai đoạn mới - giai đoạn "xây dựng lại đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn".

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, non sông thu về một mối, Tổ quốc thống nhất, cả nước cùng xây dựng trong hoà bình. Đây là giai đoạn mà Khoa Hoá học, cùng với Trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội trải qua những năm tháng khó khăn của thời kỳ khủng hoảng sau chiến tranh, để rồi từng bước vươn lên trong những năm đầu của thời kỳ Đổi mới.
Ngay từ  năm học 1975-1976,  nhiệm vụ quan trọng của ngành Gáo dục - Đào tạo nói chung, của Trường và của Khoa Hoá nói riêng là phải chi viện nhân tài, vật lực cho các trường Đại học phía Nam. Rất nhiều cán bộ đã chia tay lên đường vào Nam tăng cường cho các trường Đại học Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Đà lạt và Buôn Mê Thuột. Đó là những cán bộ có trình độ và năng lực được Khoa đào tạo: Nguyễn Đình Soa, Cù Thành Long, Nguyễn Văn Cẩn, Liễu Đình Đồng, Trần Trung, Trần Khắc Chương, Trần Thị Việt Hoa, Bùi Ngọc Thọ, Lê Mười, Nguyễn Thị Tố Nga, Phan Bình Minh, Phạm Đình Hùng...
Để thay thế những người ra đi, Khoa đã tích cực tiếp nhận, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ. Trong các năm 1975 đến 1980 Khoa đã thu nhận nhiều sinh viên tốt nghiệp Đại học ở nước ngoài về làm cán bộ giảng dạy và nghiên cứu: Lưu Văn Bôi, Trần Hồng Côn, Nguyễn Văn Đậu, Cao Thế Hà, Nguyễn Thị Minh Huấn, Trần Thị Mỹ Linh, Đào Công Ngoạn, Nguyễn Văn Như, Hoàng Xuân Trào, Nguyễn Thị Diễm Trang, Nguyễn Phương Tùng, Phạm Hùng Việt, Trần Thạch Văn, Hà Sỹ Uyên. Đồng thời Khoa cũng đã lựa chọn và giữ lại một số sinh viên do Khoa đào tạo: Bùi Duy Cam, Trịnh Ngọc Châu, Khúc Quang Đạt, Ngô Sỹ Lương, Nguyễn Văn Ri, Lê Như Thanh và Nghiêm Xuân Thung, sau đó là Trần Thị Như Mai và Lê Kim Long...     
Những năm sau giải phóng, Khoa còn thường xuyên cử cán bộ vào thỉnh giảng, giúp các Trường Đại học Huế, Đà Lạt và Tây Nguyên... xây dựng chương trình, nội dung đào tạo, lập kế hoạch giảng dạy và biên soạn giáo trình. Đồng thời, Khoa đã đảm nhận đào tạo những học sinh giỏi năm cuối của các Trường bạn gửi và giới thiệu những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của Khoa cho các Trường để tăng cường đội ngũ cán bộ giảng dạy.
Do đòi hỏi của nhu cầu kinh tế - xã hội, chương trình đào tạo sau chiến tranh có nhiều thay đổi và không ổn định. Sau năm 1975, thực hiện chủ trương của Bộ Đại học, Khoa đã thay chương trình đào tạo hệ 4 năm bằng 4 năm rưỡi. Sau một thời gian ngắn chuyển thành hệ 5 năm và cuối cùng, từ năm 1994, lại quay về hệ đào tạo 4 năm cho đến nay.
Mỗi lần thay đổi chương trình là một lần Hội đồng khoa học, cán bộ của Khoa lại phải tốn rất nhiều thời gian và công sức để bàn bạc, thảo luận, xây dựng chương trình, nội dung và kế hoạch đào tạo mới.
Do những biến động của tình hình chính trị thế giới, chúng ta lại phải trải qua hai cuộc chiến tranh nên đời sống cán bộ công chức giai đoạn này gặp rất nhiều khó khăn.
Nhắc lại giai đoạn này để thấy được sự cố gắng của lãnh đạo và cán bộ công chức Khoa Hoá học - nhiều người đã lăn lộn trong chiến tranh, giữ cho Khoa đứng vững, nay lại tận tuỵ phấn đấu, bươn chải vì sự tồn tại và phát triển của Khoa. Từ năm 1975 đến 1995, có hàng trăm sáng kiến cải tiến được đề ra, hàng chục quy trình sản xuất phục vụ thực tế được hoàn thành. Khoa đã cử một đồng chí phó Chủ nhiệm khoa phụ trách ứng dụng công nghệ và lao động sản xuất. Nhờ đó đã tạo được một nguồn kinh phí đáng kể để hỗ trợ cho công tác đào đạo và cải thiện đời sống, giúp cán bộ yên tâm công tác.
Năm 1986 đất nước bắt đầu thời kỳ Đổi mới. Nhà nước dần dần xoá bỏ bao cấp, các ngành các cấp được tiếp cận và thực hiện cách làm mới.
Trong ngành Giáo dục, ở giai đoạn này nhiều loại hình đào tạo mới được tiến hành và phát triển mạnh mẽ. Từ năm 1987 đến 1992, ngoài các hệ Chính qui và Tại chức, Khoa Hoá học còn tổ chức đào tạo 6 khoá hệ Mở rộng và 2 khoá hệ Chính quy không tập trung.
Từ năm 1992, được phép của Giáo dục và Đào tạo, Khoa Hoá học đã bắt đầu đào tạo hệ Phổ thông Trung học Chuyên Hoá học. Số lượng tuyển sinh mỗi khoá khoảng 100 học sinh. Đây là nơi đào tạo học sinh năng khiếu, là nguồn tuyển sinh chất lượng cao cho Khoa. Trong 12 khoá đã đào tạo, 100% học sinh đỗ tốt nghiệp và thi đầu vào Đại học. Tỷ lệ các em được tuyển thẳng vào Đại học cao, nhiều em đỗ thủ Khoa trong các kỳ thi tuyển sinh.
Đáp ứng nhu cầu cán bộ cho sự nghiệp phát triển đất nước, Khoa đã tiến hành mở rộng ngành nghề đào tạo. Năm 1975, Bộ môn Hoá Kỹ thuật được thành lập (đến năm 1997 đổi thành Bộ môn Công nghệ Hoá học). Năm 1978, thành lập Bộ môn Hoá Phóng xạ.
Cũng trong giai đoạn này, Khoa Hoá học bắt đầu thực hiện chương trình hợp tác đào tạo quốc tế. Từ năm 1975 Khoa đã đào tạo 7 sinh viên và nghiên cứu sinh cho nước bạn Lào, trong đó có TS. Som Mangnomech, sau này trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục nước CHDCNN Lào. Vào giữa những năm 80 hàng chục cán bộ của Khoa đã được cử đi làm chuyên gia ở các trường Đại học Angiêri, Angola và Campuchia.
Là một địa chỉ đào tạo đáng tin cậy, chất lượng cao của cả nước, từ cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, Khoa Hoá học đã bắt đầu đào tạo Sau đại học. Các GS. Phan Văn Tường và PGS. Lê Nguyên Tảo là những cán bộ đầu tiên bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ (nay gọi là Tiến sĩ) trong nước.
Trong những năm 80 củathiên niên kỷ trước, đặc biệt sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, việc gửi cán bộ đi đào tạo Sau đại học ở nước ngoài bị hạn chế, Khoa đã đẩy mạnh công tác đào tạo Cao học và NCS trong nước. Từ năm1985 đến 1996 có hơn 20 cán bộ đã bảo vệ luận án PTS (nay là TS) tại Khoa: Lê Chí Kiên, Bùi Duy Cam, Trịnh Ngọc Châu, Trần Hồng Côn, Hà Thị Điệp, Nguyễn Văn Đậu, Cao Thế Hà, Đỗ Quang Huy, Tạ Thị Khôi, Ngô Sỹ Lương, Nguyễn Thị Minh, Trần Thị Như Mai, Nguyễn Văn Ri, Lê Như Thanh, Nguyễn Đình Thành, Nguyễn Thị Diễm Trang, Trần Thạch Văn...
Không dừng lại ở bậc PTS, một số cán bộ của Khoa Hoá học đã tích cực nghiên cứu, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học ở trong nước. GS. Đặng Như Tại (1987) là người đầu tiên bảo vệ luận án TSKH trong nước, tiếp theo các cán bộ: Đặng Ứng Vận (1991), Nguyễn Minh Thảo và Nguyễn Đình Triệu (1994), Nguyễn Đức Huệ và Nguyễn Xuân Dũng (1996). Ngoài ra, Khoa Hoá học cũng đào tạo được 2 TSKH và khoảng 80 TS cho các cơ quan ngoài trường.
GS. Đặng Như Tại, người đầu tiên bảo vệ luận án TSKH năm 1987
Khoa còn có 4 cán bộ được gửi đi đào tạo đã bảo vệ thành công luận án TSKH ở nước ngoài. Đó là GS. Phan Tống Sơn (CHDC Đức), GS. Ngô Thị Thuận, GS. Lâm Ngọc Thụ và PGS. Lưu Văn Bôi (cả 3 đều bảo vệ ở Liên Xô).
Để khắc phục khó khăn do chiến tranh để lai, tạo thêm cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, Khoa đã chủ động mở rông quan hệ quốc tế. Việc hợp tác được bắt đầu với trường Đại học Tổng hợp Lômônôxop (Liên xô) trong lĩnh vực tách và xác định đất hiếm trong quặng khai thác tại Việt Nam. Tiếp sau đó, năm 1981, là các dự án hợp tác với trường Đại học Tổng hợp Amstecdam - Hà Lan trong lĩnh vực Hoá Hữu cơ và Hoá phân tích VH1, VH2, Đồng Chủ trì phía Việt Nam là PGS Nguyễn Xuân Dũng và PGS Phạm Luận. Năm 1995, pha 1 dự án hợp tác của Khoa trong lĩnh vực Công nghệ Hóa môi trường do Đại học Công nghệ Liên bang Zurich - Thụy sỹ tài trợ được tiến hành.
GS. Phan Tống Sơn bảo vệ luận án TSKH ở CHDC Đức
Bằng kinh phí các chương trình hợp tác và viện trợ quốc tế, một số phòng thí nghiệm của Khoa đã được tăng cường nhiều dụng cụ và thiết bị. Nhờ đó trong giai đoạn này công tác nghiên cứu khoa học và phục vụ thực tiễn được đẩy mạnh. Từ năm 1985 đến 1995, cán bộ của khoa đã chủ trì hàng chục đề tài NCCB, thực hiện thành công nhiều đề tài dự án KHCN có giá trị, trong đó có hơn 10 đề tài cấp Nhà nước. Tiêu biểu là các đề tài "Nghiên cứu chế tạo dung dịch khoan dầu khí từ bùn thải của mỏ Cromit Cổ Định" (1985) của GS Phan Văn Tường, các đề tài "Nghiên cứu  chế tạo màng thẩm thấu ngược làm ngọt nước biển" (1985) và đề tài "Nghiên cứu chế tạo màng lọc máu” (1993) của PGS. Lê Viết Kim Ba, đề tài "Chiết xuất các chất thơm từ thực vật Viêt Nam” (1993) của GS. Phan Tống Sơn, đề tài "Chế tạo chất màu thực phẩm” (1995) của GS. Ngô Thị Thuận... Sản phẩm của nhiều đề tài được nhận bằng sáng tạo, Huy chương vàng ở các Hội chợ triển lãm, nhiều cá nhân và tập thể các nhà khoa học được khen thưởng.  Năm 1990 PGS. Lê Viết Kim Ba và năm 1994 tập thể nữ Bộ môn Hoá Hữu cơ được nhận giải thưởng Covalepskaia.
Tập thể nữ Bộ môn Hoá Hữu cơ nhận giải thưởng Covalepskaia
Trong lĩnh vực đào tạo, bắt đầu từ năm 1994, được sự hỗ trợ của Hiệp hội các Trường Đại học khối Cộng đồng Pháp Ngữ, Khoa đã mở lớp học tiếng Pháp cho một số sinh viên có năng khiếu ngành Hoá học cơ bản. Đến năm thứ 4, những sinh viên có trình độ khá giỏi, được lựa chọn làm khoá luận và bảo vệ bằng tiếng Pháp. Hầu hết những sinh viên xuất sắc của các lớp này đều được Chính phủ Pháp cấp học bổng làm Thạc sỹ và Tiến sỹ. Phát huy các kết quả đạt được, từ năm 1995 khoa bắt đầu mở rộng hợp tác với các trường Đại học Nhật bản, như Đại học Osaka, Đại học Công nghệ Tokyo và một số trường Đại học của Hàn Quốc.
Trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, nguồn lực hạn hẹp, hiệu quả các dự án hợp tác quốc tế đưa lại là to lớn. Nhiều cán bộ của khoa được đi đào tạo nâng cao trình độ, hàng chục sinh viên tốt nghiệp được nhận học bổng học Cao học và làm NCS  ở nhiều trường Đại học danh tiếng ở nước ngoài.
Lễ bảo vệ khoá luận tốt nghiệp bằng tiếng Pháp
Qua thử thách, cùng với sự phát triển của Khoa, đội ngũ cán bộ đã trưởng thành và chín muồi. Từ chỗ chỉ có duy nhất 1 Giáo sư Nguyễn Hoán (1956), đến năm 1995 Khoa đã có 6 GS: thầy Nguyễn Thạc Cát (1980), Đặng Như Tại, Phan Tống Sơn, Ngô Thị Thuận, Đào Đình Thức, Trần Văn Nhân (được phong 1991) và 36 PGS: Nguyễn Xuân Dũng, Nguyễn Hữu Định, Trần Tứ  Hiếu, Nguyễn Đức Huệ, Trần Chương Huyến, Cù Thành Long, Hồ Uy Liêm, Từ Vọng Nghi, Phan Văn Tường, Lâm Ngọc Thiềm, Lâm Ngọc Thụ, Đào Đình Thức, Nguyễn Văn Tuế, Phan Văn Tường, Nguyện Trọng Uyển, Đào  Hữu Vinh (được phong năm 1984); Chu Xuân Anh, Lê Viết Kim Ba, Vũ Ngọc Ban, Nguyễn Đình Bảng, Ngô Duy Cường, Vũ Đăng Độ, Nguyễn Thị Bích Hà, Nguyễn Thị Huệ, Văn Ngọc Hướng, Lê Chí Kiên, Phạm Luận, Trần Ngọc Mai, Lê Đức Ngọc, Phạm Văn Nhiêu, Lê Viết Ngọc Phượng, Nguyễn Minh Thảo, Hoàng Thọ Tín, Nguyễn Đình Triệu, Nguyễn Xuân Trung, Đặng Ứng Vận (được phong 1991).
Vượt qua muôn vàn khó khăn thiếu thốn của thời kỳ sơ tán và những năm khắc phục hậu quả chiến tranh sau hoà bình, cán bộ và sinh viên Khoa Hoá học đã đạt được nhiều thành tích to lớn trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và xây dụng đội ngũ. Những thành tựu đó đã tạo gia tốc cho Khoa bứt phá vươn lên trong những năm sau.

Ngày 10 tháng 12 năm 1993 Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập theo quyết định số 97/CP do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký trên cơ sở sát nhập trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội I (rút khỏi ĐHQG năm 1999) và trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ  Hà Nội. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được tách thành 2 trường thành viên và một số khoa trực thuộc: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, khoa Công nghệ (nay là trường Đại học Công nghệ), khoa Kinh tế và khoa Luật.
Khoa Hoá học trở thành một bộ phận thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên.
Lễ kỉ niệm 50 năm thành lập Khoa Hóa học 2006
Sau khi hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, Đại học Quốc gia Hà Nội đã bắt đầu thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển ngắn hạn và dài hạn với tiêu chí là xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội thành một trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Thực hiện mục tiêu của Đại học Quốc gia Hà Nội và trường Đại học Khoa học Tự nhiên, để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho công cuộc Công nghiệp hóa và Hiện đại hóa đất nước, Khoa Hoá học đã tiếp tục mở rộng ngành nghề, quy mô và các loại hình đào tạo.
Từ năm học 1997-1998 Khoa mở ngành đào tạo "Cử nhân Công nghệ Hoá học. Năm học 1998-1999, Khoa bắt đầu đào tạo hệ "Cử nhân khoa học tài năng". Năm học 2000-2001, Khoa có thêm ngành mới: " Cử nhân Sư phạm Hoá học theo mô hình 3+1".
Từ năm 2006 Khoa  Hóa học là một trong 10 đơn vị được Bộ GD&ĐT chọn để thực hiện thí điểm đào tạo theo chương trình tiên tiến của Đại học Illinois (Hoa Kỳ).
Lễ phát bằng tốt nghiệp Đại học
Ý thức sâu sắc ảnh hưởng của công tác nghiên cứu khoa học đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo và xây dựng Đại học đẳng cấp quốc tế, ĐHQG Hà Nội đã rất chú trọng đầu tư thành lập và nâng cấp các Phòng thí nghiệm, các Trung tâm nghiên cứu mũi nhọn.
Hội thảo về công tác đào tạo Cử nhân khoa học tài năng
Khoa Hoá học là một đơn vị tích cực hưởng ứng chủ trương này. Năm 1995, khoa thành lập Trung tâm Hoá dầu. Năm 2000 - Bộ môn Hoá học Dầu mỏ, năm 2001 - Phòng thí nghiệm Hoá học Môi trường và Trung tâm ứng dụng tin học trong Hoá học lần lượt ra đời.
Khoa đã tích cực xây dựng các đề tài, các dự án đầu tư, tranh thủ sự hỗ trợ kinh phí của nhà nước và của ĐHQG Hà Nội để hiện đại hoá trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Từ năm 2003 đến 2006 Khoa được thực hiện 2 dự án với vốn đầu tư hơn 48 tỷ đồng qua đó Khoa đã được trang bị một lực lượng máy móc thiết bị hiện đại phát huy tác dụng tốt trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng công nghệ.
Công tác nghiên cứu khoa học của Khoa trong giai đoạn này cũng bắt đầu khởi sắc. Từ năm 2000 đến nay, cán bộ của khoa đã chủ trì thực hiện hơn 100 đề tài NCCB, 17 đề tài KHCN cấp Nhà nước, hơn 30 đề tài cấp Bộ và cấp Đại học Quốc gia Hà Nội. Hàng năm cán bộ toàn Khoa công bố khoảng 130 - 150 công trình trên các tạp chí chính thức ở trong nước và Quốc tế.
GS.TSKH. Lưu Văn Bôi hướng dẫn sinh viên sử dụng thiết bị nghiên cứu khoa học
Những thành tựu nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng công nghệ của Khoa đã dành nhiều giải thưởng ở các Hội chợ Techmart Hà Nội (2004), Hải Phòng (2005) và Hoà Bình (2006). Năm 2006, nhóm nghiên cứu của GS.Ngô Thị Thuận và nhóm nghiên cứu của PGS. Lê Viết Kim Ba được nhận giải thưởng lần thứ I về khoa học công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội, nhóm “Tổng hợp hữu cơ” do GS. Đặng Như Tại đứng đầu, được nhận phần thưởng về thành tích nghiên cứu khoa học của chương trình NCCB Nhà nước.
Trao đổi văn bản hợp tác giữa Khoa Hóa học với trường ĐH Kochi Nhật Bản
Nhờ kinh phí thu được từ các đề tài, cán bộ Khoa Hóa học đã hỗ trợ tích cực cho phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên. Hàng năm có khoảng 70-90 sinh viên tham gia báo cáo ở Hội nghị khoa học sinh viên. Nhiều em đạt giải nhất, nhì sinh viên NCKH của Bộ Giáo dục Đào tạo và ĐHQG Hà Nội.         
PGS.TS. Nguyễn Văn Ri hướng dẫn sinh viên và học viên Cao học làm việc trên máy Sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC)
Đào tạo sau đại học tiếp tục được đẩy mạnh với 7 chuyên ngành thạc sỹ (Hoá học vô cơ, Hoá học Hữu cơ, Hoá học Phân tích, Hoá lý, Hoá dầu và xúc tác hữu cơ, Hoá học Môi trường và Hoá kỹ thuật) và 6 chuyên ngành tiến sỹ (Hoá học vô cơ, Hoá học Hữu cơ, Hoá học Phân tích, Hoá lý, Hoá dầu và xúc tác hữu cơ, Hoá học Môi trường). Ngoài ra, Khoa còn đào tạo 1 khoá Cao học cho Trường Đại học khoa học Huế (với 20 học viên, đã bảo vệ luận văn năm 1997), 2 khoá cho Trường Cao đẳng Hoá chất Phú Thọ và 1 khoá cho cán bộ của Sở GD& ĐT Bắc giang.
Song song với việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, Khoa đồng thời tích cực tổ chức các hoạt động học thuật. Cán bộ Khoa Hoá học đã tham gia và chủ trì nhiều hoạt động khoa học Quốc gia: Hội nghị  Hoá học toàn quốc, Hội nghị Khoa học và Công nghệ Hoá Hữu cơ toàn quốc, Hội nghị toàn quốc về xúc tác và Hoá Dầu, Hội nghị khoa học phân tích Hoá, Lý sinh học toàn quốc, Hội nghị toàn quốc về Hoá lí và Hoá lí thuyết. Cán bộ của Khoa cũng đã tham gia đồng Chủ trì một số Hội nghị quốc tế: Hội nghị khoa học về xử lý chất thải rắn (2003), Hội nghị khoa học về vật liệu khu vực Thái Bình Dương (2004), Hội nghị khoa học về môi trường làng nghề và Hội nghị khoa học 10 năm hợp tác KHCN  Việt Nam - CHLB Đức (2006).

Lễ Bảo vệ luận án Tiến sĩ
Uy tín quốc tế của Khoa ngày càng được nâng cao, thể hiện trong việc các trường Đại học trên thế giới sẵn sàng hợp tác đào tạo với Khoa. Giai đoạn này Khoa đã thực hiện một số dự án đào tạo và NCKH với các trường ĐH Toulon, Le Maine (Pháp), Đại học Tự do (Bỉ), ĐH Đresden (Đức), ĐH Công nghệ Tokyo, Viện JAIST và ĐH Kochi (Nhật) và nhiều trường ĐH của Hàn Quốc. Tranh thủ các chương trình hợp tác quốc tế, hàng năm Khoa đã gửi đi khảo sát nghiên cứu ngắn hạn và đào tạo SĐH ở nước ngoài từ 15-20 cán bộ. Trong thời gian từ năm 1996 đến 2006, gần 200 sinh viên tốt nghiệp của Khoa được cấp học bổng Cao học và NCS tại Pháp, Đức, Nhật, Thụy Sỹ, Hà Lan, Bỉ, Mỹ, Úc, Hàn Quốc...
Những thành tựu đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa được xã hội công nhận, nhiều cán bộ tiếp tục được phong các chức danh GS và PGS.
Năm 1996 PGS.TSKH. Đặng Ứng Vận được phong Giáo sư và 5 cán bộ giảng dạy khác được phong Phó giáo sư: Trịnh Xuân Sén, Trương Đình Chí, Cao Thế Hà, Hoa Hữu Thu và Phạm Hùng Việt
Năm 2002 các Phó giáo sư: Phan Văn Tường, Nguyễn Đức Huệ, Trần Tứ Hiếu, Nguyễn Đình Triệu, Ngô Duy Cường, Nguyễn Xuân Dũng, Từ Vọng Nghi và Nguyễn Minh Thảo được phong Giáo sư. Các cán bộ  Nguyễn Văn Đậu, Trần Hồng Côn, Lưu Văn Bôi, Lê Hùng, Trần Thạch Văn, Nguyễn Thị Diễm Trang, Trần Thị Như Mai được phong Phó giáo sư.
Đón các em học sinh thi Olympic Hoá học quốc tế thắng lợi trở về
Năm 2003 các PGS.TS. Nguyễn Trọng Uyển, Lâm Ngọc Thiềm được phong Giáo sư, 4 cán bộ Bùi Duy Cam, Trịnh Ngọc Châu, Trịnh Lê Hùng, Triệu Thị Nguyệt, được phong Phó Giáo sư.
Năm 2004 các PGS.TS. Vũ Đăng Độ, Phạm Hùng Việt được phong Giáo sư.
Năm 2005 các TS Trần Thị Mỹ Linh, Ngô Sĩ Lương, Nguyễn Văn Ri, Lê Như Thanh và Nguyễn Đình Thành được phong Phó Giáo sư.

Từ năm 2006, Khoa Hóa học là đơn vị tiên phong trong 35 đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao đào tạo “cử nhân hóa học theo chương trình tiên tiến” và từ năm 2008 Khoa mở ngành mới “đào tạo cử nhân Hóa dược”. Để nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế, Khoa Hóa học đã tiến hành đổi mới tổ chức đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Đổi mới tổ chức đào tạo: Từ năm 2006, Khoa Hóa học bắt  đầu xây dựng các chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra: sinh viên sau khi tốt nghiệp Khoa Hóa học phải đạt các tiêu chí:kiến thức chuyên môn vững vàng, kỹ năng thực hành tốt, tư duy phân tích và phê phán trong thiết kế nghiên cứu, kỹ năng truyền đạt và giao tiếp tốt, có đạo đức nghề nghiệp.
Hội nghị khoa học sinh viên Khoa Hóa học
Việc đổi mới bắt đầu từ chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy. Để đảm bảo chất lượng đồng đều cho tất cả các ngành của Khoa, chương trình đào tạo đã được chia thành các module. Module kiến thức xã hội nhân văn và các kiến thức cơ bản, sinh viên các ngành học chung. Sau đó sinh viên sẽ học kiến thức cơ sở ngành. Việc modul hóa chương trình không những đã nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn tiết kiệm được nhân lực cán bộ, ứng phó nhanh với sự thay đổi nhu cầu thị trường.
100% sinh viên hệ tài năng và tiên tiến tham gia nghiên cứu khoa học từ năm thứ 1 và 100% sinh viên các hệ đào tạo khác được tham gia NCKH từ năm thứ 2. Những sinh viên có thành tích nghiên cứu khoa học được lựa chọn gửi đi thực tập hè ở các trường đối tác Illinois, Osaka, Hiroshima, Dresden, Toulon…
Sinh viên được đào tạo tại Khoa Hoá học được xã hội sẵn sàng tiếp nhận. Khoảng 20% sinh viên tốt nghiệp được các cơ sở đào tạo của nước ngoài cấp học bổng học tiếp cao học và nghiên cứu sinh. Số sinh viên tốt nghiệp làm việc đúng nghề rất cao.
Đổi mới tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ: dựa trên xu thế phát triển khoa học công nghệ và những nhiệm vụ của chương trình kinh tế – kỹ thuật trọng điểm quốc gia, Khoa Hoá học đã xác định 4 hướng nghiên cứu tập trung: vật liệu tiên tiến chuyển hoá năng lượng và xử lý môi trường; hóa học các hợp chất có hoạt tính sinh học, y dược; nghiên cứu xác định lượng vết, siêu vết phục vụ quan trắc môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm và hóa học tính toán. Từ năm học 2006 cho đến năm 2016, số đề tài nghiên cứu tăng đáng kể. Kinh phí thu được từ các đề tài, dự án mỗi năm đạt khoảng 8-10 tỷ đồng. Kết quả nghiên cứu của nhiều đề tài và dự án đã được chuyển giao ứng dụng vào thực tiễn.
Những thành tựu nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng công nghệ của Khoa đã dành nhiều giải thưởng ở các Hội chợ Techmart Hà Nội, Hải Phòng và Hoà Bình...
Song song với việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, Khoa đồng thời tích cực tổ chức các hoạt động học thuật. Cán bộ Khoa Hoá học đã tham gia và chủ trì nhiều Hội nghị khoa học quốc gia và quốc tế. Kết hợp nghiên cứu khoa học với đào tạo sau đại học là nhiệm vụ thường xuyên.
Trong lộ trình xây dựng và phát triển để hội nhập, Khoa Hóa học luôn chú ý kết hợp nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ với đẩy mạnh đào tạo sau đại học, sử dụng có hiệu quả hệ thống máy móc thiết bị hiên đại.
TS. Mạc Đình Hùng nghiên cứu trên thiết bị NMR
Nhờ có đội ngũ đông đảo cán bộ khoa học trình độ cao, có số lượng các đề tài, dự án đa dạng, Khoa Hoá học đã trở thành một địa chỉ đào tạo sau đại học hấp dẫn. Số lượng và chất lượng học viên thi vào ngành hoá học ngày một cao. Đã nhiều năm nay, số lượng hệ sau đại học luôn chiếm tỷ lệ khoảng 30% số sinh viên hệ đào tạo đại học. Lực lượng đông đảo này đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng đào tạo và đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng công nghệ của Khoa Hóa học.
Hợp tác quốc tế phản ánh mức độ phát triển và trình độ đội ngũ cán bộ của đơn vị. Ý thức được tầm quan trọng của hợp tác quốc tế đối với hội nhập và phát triển, Khoa Hóa học đã tích cực triển khai liên kết đào tạo và nghiên cứu với các trường Đại học tiên tiến trên thế giới. 
Khoa Hóa học đang hợp tác với Đại học Illionois ở Urbana Champaign (UIUC, Hoa Kỳ), Hoa Kỳ để triển khai đào tạo cử nhân theo chương trình tiên tiến. Hàng năm các giáo sư từ UIUC sang giảng dạy các môn Hóa học cho sinh viên. Từ năm 2006 đến nay Khoa đã cử hơn 40 lượt cán bộ (3 tháng/lượt) sang thực tập giảng dạy và xây dựng chương trình UIUC. Đến nay đã có hơn 40 cán bộ của Khoa trực tiếp tham gia giảng dạy cho sinh viên bằng tiếng Anh. Hàng năm bạn tiếp nhân 6-12 sinh viên sang thực tập hè 2 tháng tại các phòng thí nghiệm của Khoa Hóa học, UIUC. Hai khoa đang tiếp tục triển khai hợp tác trong nghiên cứu khoa học.
Ban Chủ nhiệm Khoa Hóa học làm việc với GS. Zimmerman, Chủ nhiệm Khoa Hóa học, Đại học Illinois ở Urbana Champaign
Khoa Hóa học đang hợp tác với đại học Toulon, Pháp để đào tạo cử nhân hóa học bằng tiếng Pháp do tổ chức Cộng đồng Pháp ngữ tài trợ. Từ năm 2010 sinh viên tốt nghiệp được cấp 2 bằng của hai trường.
Khoa Hóa học đang tiến hành 2 chương trình phối hợp đào tạo sau đại học với các trường đại học quốc tế.
Chương trình đào tạo cao học "Vật liệu tiên tiến và môi trường”, do tổ chức Cộng đồng Pháp ngữ tài trợ và Đại học Toulon cấp bằng. Chương trình đã có 7 khóa Học viên tốt nghiệp và đang đào tạo khóa thứ 8.
Lễ Trao bằng Thạc sĩ khóa 7 và khai giảng khóa 8 chương trình đào tạo “Vật liệu tiên tiến và môi trường” với Đại học Toulon, Pháp 28/9/2016
Chương trình đào tạo cao học và tiến sĩ ”Hóa học hữu cơ và Hóa dược” do đại học Rennes 1, Pháp cấp bằng. Chương trình bắt đầu tuyển sinh vào năm 2010.
Bằng các nguồn học bổng khác nhau, Khoa đã giới thiệu đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài gần 150 cán bộ (trong đó có 20 cán bộ trong biên chế).
Tập đoàn UOP Hoa Kì trao học bổng cho sinh viên Khoa Hóa học
Khoa Hóa học là một trong những địa chỉ thu hút được sự quan tâm hợp tác của bạn bè quốc tế. Hiện nay Khoa đang đồng chủ trì thực hiện nhiều đề tài và dự án hợp tác với các trường đại học nước ngoài.
Hợp tác với doanh nghiệp được Khoa đề cao và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Khoa có hợp tác bền chặt với công ty Terumo, Inoac, Zeon (Nhật bản), OUP Honeywell  (Hoa Kỳ) và hàng chục công ty, tập đoàn trong và ngoài nước. Hàng năm các công ty, quĩ học bổng, cựu sinh viên thành đạt đều tổ chức nhiều hoạt động trao học bổng cho sinh viên đang học tập, tiếp nhận sinh viên sau khi tốt nghiệp. Khoa đã kí hợp tác với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ban Chủ nhiệm Khoa Hóa học cùng cựu sinh viên đang làm việc tại công ty Terumo (04/2016)
Chặng đường Khoa Hóa học 60 nămvượt qua mọi thách thức, tận dụng mọi cơ hội để xây dựng và phát triển, đầy vinh quang và tự hào đã đi qua.
Với hành trang truyền thống quí báu, Khoa Hoá học sẽ tạo được bước đột phá, vững bước trên con đường hội nhập quốc tế, đưa chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học đạt đẳng cấp thế giới, góp phần đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

BAN LÃNH ĐẠO KHOA HÓA HỌC